%title%

Tín chỉ carbon là gì? Mua – Bán tín chỉ Carbon ở đâu

5 tháng @ Thứ Bảy 21 Tháng 9, 2024

Với mục tiêu bảo vệ môi trường, giảm thiểu các tác hại của khí thải nhà kính lên môi trường sống của chúng ta, rất nhiều biện pháp được đưa ra để giải quyết vấn đề này trong đó có việc hình thành tín chỉ carbon và thị trường tín chỉ carbon.

1. Tín chỉ Carbon là gì?

tin chi carbon la gi

Tín chỉ Carbon (Carbon credits) là chứng nhận để giao dịch thương mại cho phép chủ sở hữu phát thải ra một lượng carbon dioxide (CO2) hoặc các loại khí nhà kính khác (KNK). Với mỗi một tín chỉ carbon, chủ sở hữu được cho phép phát thải một tấn CO2 hoặc một lượng khí nhà kính khác tương đương với 1 tấn CO2 (tCO2e) vào bầu khí quyển.

Việc ra đời của tín chỉ carbon là nhằm giảm phát thải khí nhà kính vào khí quyển từ các hoạt động công nghiệp, nhằm giảm tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu, ô nhiễm không khí. Tín chỉ carbon tạo ra động lực kinh tế để các công ty giảm lượng khí thải carbon phát thải ra môi trường.

2. Lịch sử ra đời

Tín chỉ carbon dựa trên mô hình mua bán phát thải được sử dụng để giảm ô nhiễm lưu huỳnh vào những năm 1990.

Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên hợp quốc đã phát triển một đề xuất tín chỉ carbon để giảm lượng khí thải carbon trên toàn thế giới trong Nghị định thư Kyoto 1997. Thỏa thuận này đặt ra các mục tiêu giảm phát thải mang tính ràng buộc cho các quốc gia đã ký kết Nghị định. Hiệp định Marrakesh, nêu rõ các quy tắc về cách thức hoạt động của hệ thống. Theo Nghị định thư Kyoto 1997, các quốc gia có dư thừa quyền phát thải được bán hoặc mua từ các quốc gia phát thải nhiều hơn hoặc ít hơn mục tiêu cam kết. Từ đó, trên thế giới xuất hiện loại hàng hóa mới là các chứng chỉ giảm/hấp thụ phát thải khí nhà kính. Do carbon (CO2) là khí nhà kính quy đổi tương đương của mọi khí nhà kính nên các giao dịch được gọi chung là mua bán, trao đổi carbon, hình thành nên thị trường carbon hay thị trường tín chỉ carbon.

3. Phân loại thị trường tín chỉ carbon

giam-co2

Thị trường carbon bắt buộc: Các quốc gia đã ký kết công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu bắt buộc phải thực hiện việc mua bán tín chỉ carbon. Đối tượng áp dụng thường là các dự án trong cơ chế phát triển sạch (CDM), Cơ chế phát triển bền vững (SDM) hoặc đồng thực hiện (JI).

Ví dụ: Một doanh nghiệp thuộc quốc gia đã ký Nghị định thư Kyoto bắt buộc phải thực hiện giảm phát thải khí nhà kính, doanh nghiệp được phép mua bán trao đổi lượng hạn ngạch khí thải trên thị trường. Doanh nghiệp tạo ra 1.000 tấn CO2 mỗi năm nên sau khi Nghị định thư Kyoto có hiệu lực, doanh nghiệp thép này phải bù lại 1.000 tấn carbon giảm thải (quy đổi ra 1.000 tín chỉ) mỗi năm.

Nếu doanh nghiệp thực hiện các biện pháp giảm thải carbon trong sản xuất để giảm được 800 tín chỉ, họ cần mua thêm 200 tín chỉ nữa (từ đơn vị trung gian) để bù lại. Việc mua tín chỉ carbon của doanh nghiệp thép chính là thị trường bắt buộc.

Thị trường carbon tự nguyện: dựa trên cơ sở hợp tác thỏa thuận song phương hoặc đa phương giữa các tổ chức, công ty hoặc quốc gia. Bên mua tín chỉ tham gia vào các giao dịch trên cơ sở tự nguyện để đáp ứng các chính sách về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp (ESG) để giảm lượn khí thải carbon. Việc mua bán tín chỉ carbon trên thị trường này hoàn toàn dựa trên mong muốn bản thân của chủ thể nhằm giảm khí thải và không chịu sự ép buộc của pháp luật.

4. Sàn giao dịch tín chỉ Carbon

Hiện nay, trên thế giới có 58 quốc gia phát triển thị trường carbon, 27 quốc gia áp dụng thuế carbon và một số quốc gia áp dụng cả hai. Các quốc gia này xây dựng sàn giao dịch tín chỉ carbon và đã có nhiều giao dịch, nguồn thu về rất lớn, tạo xu hướng cho các nước chưa tham gia thị trường carbon. Một số sàn giao dịch có thể kể đến như:

  • Sàn giao dịch EU Emissions Trading System (EU ETS) của 27 nước thành viên EU
  • Sàn giao dịch California Cap-and-Trade Program: Đây là một sàn giao dịch tại tiểu bang California, Hoa Kỳ, và là một phần của Western Climate Initiative, bao gồm cả một số thành phố của Canada.
  • Sàn Japan Carbon Credit Trading Scheme (J-Credits): Sàn giao dịch tín chỉ carbon “J-credits” khai trương ngày 11/10/2023 trên sàn chứng khoán Tokyo (TSE). Ban đầu có 188 công ty và tổ chức Nhật Bản tham gia mua bán tín chỉ carbon được Chính phủ xác thực thông qua việc sử dụng năng lượng tái tạo và quản lý rừng.
  • Sàn China National Emissions Trading Scheme: Trung Quốc đã bắt đầu thử nghiệm hệ thống giao dịch tín chỉ carbon quốc gia của mình vào năm 2021, với kế hoạch mở rộng quy mô trong tương lai.
  • Sàn Kazakhstan Emissions Trading Scheme: Kazakhstan đã thành lập hệ thống giao dịch khí thải quốc gia của mình vào năm 2013.
  • Sàn New Zealand Emissions Trading Scheme: Đây là hệ thống giao dịch tín chỉ carbon quốc gia của New Zealand, bắt đầu hoạt động từ năm 2008.
  • Sàn giao dịch chứng khoán Singapore (SGX) thành lập tháng 5/2021, quỹ đầu tư Temasek thuộc Chính phủ Singapore, ngân hàng DBS và Standard Chartered đã công bố thành lập thị trường carbon tự nguyện CIX bằng cách tạo điều kiện thuận lợi cho việc buôn bán tín chỉ carbon chất lượng cao (từ các khu rừng lâu năm, có tác động tích cực đến chất lượng không khí) thông qua các hợp đồng tiêu chuẩn hóa. .
  • Sàn giao dịch tín chỉ carbon (BCX) thuộc sàn giao dịch chứng khoán Malaysia (Bursa Malaysia) được đưa vào hoạt động năm 2022.

5. Một số câu hỏi về thị trường tín chỉ carbon

5.1. Ai có thể mua bán tín chỉ carbon?

mua-ban-tin-chi-carbon

Mỗi quốc giá sẽ có một số quy định riêng về đối tượng được mua bán tín chỉ carbon. Tại Việt Nam, theo Điều 16 Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định về đối tượng được phép tham gia thị trường carbon tại Việt Nam như sau:

  • Cơ sở thuộc danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải kiểm kê khí nhà kính do Thủ tướng Chính phủ ban hành.
  • Tổ chức tham gia thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước, quốc tế phù hợp với quy định.
  • Tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ carbon trên thị trường carbon.

Như vậy, bất kỳ chủ thể nào được quyền tham gia thị trường carbon tại Việt Nam thì đều có quyền mua bán tín chỉ carbon. Chủ thể có thể tham gia thị trường carbon tự nguyện hoặc bắt buộc. Tín chỉ carbon được chính phủ bán cho các doanh nghiệp và doanh nghiệp có thể bán lại trên thị trường tín dụng carbon tự nguyện. Các khoản bù đắp carbon được các tổ chức, dự án hoặc cá nhân bán trên thị trường tín dụng carbon tự nguyện để tài trợ cho các dự án xanh của họ.

Nhiều doanh nghiệp và cá nhân có thể bán lượng carbon bù đắp này tùy thuộc vào khả năng tham gia vào chương trình đăng ký hoặc hấp thụ carbon. Ví dụ: chủ đất có thể bán tín chỉ carbon nếu họ đăng ký đất của họ vào một dự án, cho dù đó là dự án trồng rừng.

Tín chỉ carbon có sẵn trên thị trường carbon tự nguyện cho phép các chủ thể tham gia vào dự án giảm phát thải bán tín chỉ để đáp ứng các chính sách về môi trường, xã hội không mang tính quy định. Các công ty hoặc cá nhân có thể mua tín chỉ Carbon từ các đơn vị loại bỏ hoặc giảm phát thải khí nhà kính trên thị trường Carbon để bù đắp lượng phát thải khí nhà kính.

5.2. Cách tính tín chỉ carbon

Hiện nay có 2 phương pháp để tính tín chỉ Carbon dưới đây:

a. Phương pháp dựa trên hoạt động

Công thức: Lượng khí thải KNK = Hệ số phát thải * Mức tiêu thụ/sản lượng

Trong đó:

  • Hệ số phát thải là lượng KNK tương đương phát thải từ một đơn vị nhiên liệu (thường được công bố bởi các cơ quan môi trường).
  • Lượng khí thải khí nhà kính: nhân hệ số phát thải với mức tiêu thụ nhiên liệu, nguyên liệu, sản lượng sản phẩm,…

Ví dụ: Một nhà máy sử dụng 200 tấn than đá trong một năm. Hệ số phát thải của than đá là 2,49 tấn CO2/tấn than đá. Lượng khí thải CO2 của nhà máy là:

Lượng khí thải CO2 = 2,49 tấn CO2/tấn than đá * 200 tấn than đá = 498 tấn CO2. Để bù đắp cho lượng khí thải này, 1 tấn CO2 tương đương 1 tín chỉ carbon, vì vậy nhà máy cần có hoặc mua 498 tín chỉ Carbon.

b. Phương pháp dựa trên hiệu suất

Công thức: Lượng khí thải giảm = Lượng khí thải trước dự án – Lượng khí thải sau dự án

  • Xác định lượng khí thải trước và sau khi thực hiện dự án giảm phát thải.
  • Lượng khí thải giảm được sẽ được chuyển đổi thành tín chỉ Carbon.

Ví dụ: Một công ty thực hiện dự án trồng rừng để giảm phát thải KNK. Lượng khí thải trước dự án là 200 tấn CO2/năm. Sau khi thực hiện dự án, lượng khí thải giảm xuống còn 50 tấn CO2/năm. Lượng khí thải giảm được là:

Lượng khí thải giảm = 200 tấn CO2/năm – 50 tấn CO2/năm = 150 tấn CO2/năm. Công ty sẽ được nhận 150 tín chỉ Carbon.

5.3. Giá tín chỉ carbon

Giá của mỗi tín chỉ carbon được quyết định tùy theo thị trường và tùy theo hình thức hình thành tín chỉ carbon. Nên không có căn cứ cụ thể xác định 1 tín chỉ carbon sẽ bán được bao nhiêu tiền.

Đối với thị trường carbon tự nguyện, khi viết dự án phải thể hiện được phương pháp thực hiện, tổng mức đầu tư, cách đo lường và lĩnh vực đầu tư. Quá trình thực hiện được ghi vào “nhật ký giảm phát thải”. Có một đơn vị độc lập thẩm định căn cứ vào các thông số và cấp tín chỉ. Giá của 1 tín chỉ carbon phụ thuộc vào các khoản đầu tư này và lĩnh vực đầu tư.

gia-1-tin-chi-carbon

Ở khía cạnh khác, có một số doanh nghiệp mua tín chỉ carbon giá cao ở những lĩnh vực được khuyến khích giảm phát thải như sản xuất nhựa, phân bón, thép.

Ví dụ, ngành tái chế nhựa không những thải lượng carbon rất lớn mà còn thải ra những khí độc khác ảnh hưởng đến môi trường và rất khó để giảm phát thải nên ngành này muốn giảm phát thải carbon thì giá mua một tín chỉ có khi lên đến 100 USD.

Với carbon từ dừa và rừng thì không có nhiều chi phí đầu tư nên giá 1 tín chỉ carbon chỉ từ giá 5-10 USD/tín chỉ. Ví dụ như tín chỉ carbon của rừng Amazon chỉ bán có 1,5 USD/tín chỉ hay gần đây nhất Việt Nam đã chuyển nhượng 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng cho Ngân hàng Thế giới (WB) và nhận được 51,5 triệu USD tương đương khoảng 5 USD/tín chỉ.

Tín chỉ carbon đã mở ra một thị trường mới nơi mà các chủ thể vừa có thể bảo vệ môi trường vừa đem lại các lợi ích kinh tế cho các chủ thể tham gia, điều này đem lại tiềm năng phát triển lớn cho thị trường. Việc giảm thiểu khí thải hạn chế ô nhiễm môi trường cũng là vấn đề lớn mà các chủ thể tham gia cam kết cần tuân thủ để đạt được hiệu quả giảm phát thải các chất ô nhiễm ra môi trường nhưng vẫn đạt được các mục tiêu kinh tế.