Tiêu chuẩn khí thải sẽ có những thay đổi gì trong chiến lược bảo vệ môi trường của Việt Nam trong giai đoạn 2030

8 tháng @ Thứ Ba 18 Tháng 6, 2024

Ô nhiễm môi trường, trái đất nóng lên, khí thải nhà kính,…. tất cả những vấn đề nổi cộm trên đều cho thấy tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, đặt ra các tiêu chuẩn khí thải trong cuộc sống của mỗi người dân, mỗi đất nước. Trong công cuộc chiến đấu với việc thay đổi khí hậu đầy cam go này, Ngày 13/4/2022, Thủ tướng ban hành Quyết định 450/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030 trong đó có yêu cầu xây dựng lộ trình loại bỏ xe dùng nhiên liệu hóa thạch.

1. Tình trạng ô nhiễm không khí tại các đô thị, các khu công nghiệp hiện nay:

tiêu chuẩn khí thải với ô tô

  • Mức độ ô nhiễm không khí hiện nay:
    • Nồng độ PM2.5 và PM10: Tại nhiều đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, nồng độ bụi mịn PM2.5 và bụi thô PM10 thường xuyên vượt qua mức giới hạn an toàn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Ô nhiễm bụi mịn chủ yếu xảy ra vào mùa đông khi điều kiện khí tượng không thuận lợi.
    • Khí NO2 và CO: Nồng độ khí nitơ điôxít (NO2) và carbon monoxide (CO) cũng thường xuyên cao do lượng phương tiện giao thông lớn và các hoạt động công nghiệp.
  • Nguồn gốc ô nhiễm môi trường không khí:
    • Giao thông vận tải: Xe cộ, đặc biệt là xe máy và ô tô cũ, là nguồn phát thải chính các chất ô nhiễm không khí, bao gồm bụi, NOx, và CO là những loại khí thải ảnh hưởng lớn tới sức khỏe người tham gia giao thông
    • Xây dựng và đô thị hóa: Hoạt động xây dựng và gia tăng đô thị hóa tạo ra nhiều bụi và chất ô nhiễm từ các công trình xây dựng, với tốc độ đô thị hóa nhanh tại Việt Nam hiện nay khiến khối lượng bụi, chất ô nhiêm tăng lên nhanh chóng, những người dân sống tại các đô thị lớn sẽ là những người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ ô nhiễm và khói bụi.
    • Hoạt động sinh hoạt: Đốt rác, nấu nướng bằng than củi và các nguồn sinh hoạt khác cũng góp phần làm ô nhiễm không khí.
  • Tác động đến sức khỏe:
    • Bệnh về hô hấp: Ô nhiễm không khí làm gia tăng các bệnh về hô hấp như hen suyễn, viêm phế quản và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD).
    • Bệnh tim mạch: Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng ô nhiễm không khí cũng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch.
    • Tác động đến trẻ em và người già: Trẻ em và người già là những nhóm dễ bị ảnh hưởng nhất bởi ô nhiễm không khí.

2. Giải pháp nhằm tăng cường kiểm soát ô nhiễm, giảm khí thải duy trì và cải thiện chất lượng môi trường không khí, đặt ra các tiêu chuẩn khí thải ở các đô thị nhằm bảo vệ môi trường.

bảo vệ môi trường, giảm CO2

  • Lập và thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng nhằm bảo vệ môi trường không khí cấp quốc gia và cấp tỉnh, đặc biệt chú trọng các đô thị lớn, các điểm nóng về ô nhiễm môi trường không khí.
  • Đẩy mạnh phát triển hệ thống trạm quan trắc không khí tự động ở các đô thị lớn; thường xuyên cảnh báo, công khai thông tin về chất lượng môi trường không khí tại các đô thị đặc biệt, đô thị loại I.
  • Đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống giao thông công cộng, vận tải hành khách khối lượng lớn (MRT), hạn chế sự gia tăng phương tiện giao thông cá nhân ở các đô thị lớn. Tăng cường xây dựng, mở rộng diện tích công viên, cây xanh, giảm thiểu ô nhiễm tiếng ồn trong các đô thị và khu dân cư.
  • Tăng cường kiểm soát khí thải đối với xe cơ giới, rà soát, hoàn thiện và ban hành lộ trình áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; từng bước nâng cao tiêu chuẩn tiêu thụ nhiên liệu.
  • Thúc đẩy sử dụng các phương tiện giao thông phi cơ giới, thân thiện với môi trường (xe đạp, xe điện, xe sử dụng nhiên liệu sạch, năng lượng tái tạo); xây dựng và thực hiện lộ trình chuyển đổi, loại bỏ phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch, phương tiện giao thông gây ô nhiễm môi trường.
  • Kiểm soát, ngăn chặn các vi phạm trong quản lý, hoàn thiện tiêu chuẩn để nâng cao chất lượng xăng dầu, chú trọng tiêu chuẩn dầu diesel; Kiểm soát, ngăn chặn ô nhiễm bụi từ các công trình xây dựng đô thị; kiểm soát việc đốt phụ phẩm cây trồng ngoài đồng ruộng ở các vùng ven đô.
  • Xây dựng lộ trình, tiến tới loại bỏ việc sử dụng bếp than trong sinh hoạt ở các đô thị. Xây dựng và áp dụng các quy định, tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường không khí trong nhà.
  • Tăng cường kiểm soát các cơ sở công nghiệp có nguồn khí thải lớn như nhiệt điện, xi măng, thép, hóa chất…; khuyến khích áp dụng công nghệ sạch, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguyên, nhiên liệu và năng lượng.

Song song với việc xây dựng lộ trình loại bỏ xe dùng nhiên liệu hóa thạch như xe chạy bằng xăng, dầu diesel hoặc các nhiên liệu hóa thạch khác thì Chính phủ sẽ thúc đẩy người dân sử dụng các phương tiện giao thông phi cơ giới, thân thiện với môi trường như xe đạp, xe điện, xe dùng nhiên liệu sạch, năng lượng tái tạo. Hệ thống giao thông công cộng, vận tải hành khách khối lượng lớn được đẩy nhanh tiến độ. Các phương tiện giao thông cá nhân ở đô thị sẽ bị hạn chế.

XEM THÊM: Tiêu chuẩn EURO 6 cho xe ô tô

3. Những thách thức và triển vọng trong việc bảo vệ môi trường

  • Thách thức:
    • Tăng trưởng đô thị hóa và công nghiệp hóa: Gia tăng đô thị hóa và công nghiệp hóa tiếp tục gây áp lực lớn lên môi trường và chất lượng không khí. Đây sẽ là thách thức lớn đối với các chiến lược bảo vệ môi trường đặc biệt là môi trường không khí trong giai đoạn tới. Việc mở rộng phát triển đô thị và công nghiệp hóa như con dao hai lưỡi có thể gây ra một gánh nặng không nhỏ cho môi trường. Nhưng nếu kiểm soát tốt ta có thể coi nó như đòn bẩy đạt được các yêu cầu về khí thải môi trường
    • Hạn chế về công nghệ và tài chính: Việc đầu tư vào công nghệ sạch và các biện pháp cải thiện môi trường thường đụng phải những hạn chế về tài chính và công nghệ. Với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam hiện nay việc đạt được những tiêu chuẩn khắt khe về khí thải là một vấn đề không nhỏ cần được giải quyết, những trở ngại về kinh tế, xã hội,… sẽ khiến việc đạt được những tiêu chuẩn này trở nên khó khăn hơn.
  • Triển vọng:
    • Ứng dụng công nghệ mới: Việc áp dụng công nghệ xanh, công nghệ cảm biến và hệ thống giám sát hiện đại có thể giúp cải thiện chất lượng không khí.
    • Tăng cường chính sách và pháp luật: Sự cải thiện trong chính sách và pháp luật môi trường sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu ô nhiễm không khí.
    • Nhận thức cộng đồng: Nâng cao nhận thức của cộng đồng về ô nhiễm không khí và khuyến khích tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường.

Có thể thấy chiến lược bảo vệ môi trường của Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 đã có nhiều tiến bộ vượt bậc trong việc đặt ra các tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với các vấn đề về môi trường, hướng tới một môi trường xanh, sạch, đẹp, giảm thiểu các tác nhân gây ra ô nhiễm, giảm khí thải gây hại cho môi trường. Trong đó, các vấn đề về ô nhiễm không khí cũng được đặc biệt quan tâm. Các biện pháp giúp giảm thiểu việc xả khí thải, chất gây hại ra không khí sẽ được quy chuẩn hóa bằng các quy định pháp luật nhằm đặt ra các tiêu chuẩn về phát thải. Áp dụng tiêu chuẩn khí thải nghiêm ngặt cho các phương tiện giao thông, khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông công cộng và xe điện. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ sạch và hiệu quả hơn để giảm phát thải ô nhiễm từ các hoạt động sản xuất. Sự phối hợp giữa chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng là yếu tố quan trọng để cải thiện chất lượng không khí và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Nguồn: Ecolife Việt Nam